“Chính phủ đang chuẩn bị đề án chính sách, chế độ tiền lương. Trong bối cảnh phải đợi văn bản quy định chung về chính sách, việc tăng lương nhà giáo sẽ chậm. Hiện, áy náy của bộ Tư pháp, áy náy của bản thân tôi nằm ở điểm này”, Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long nói.Bộ trưởng bộ Tư pháp trả lời chất vấn tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 19/3, ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng bộ Tư pháp về các nội dung: Giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng luật được các đại biểu đề cập trong đó có luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục.
Tranh luận tại nghị trường, ĐBQH Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hỏi quan điểm cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng về chính sách tiền lương với giáo viên và chính sách phổ cập giáo dục 9 năm trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi đã đề cập.
Theo ĐBQH Ngô Thị Minh: “Bộ trưởng làm rõ hơn trách nhiệm của mình với luật Giáo dục ở 2 vấn đề quan trọng đối với việc cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nghị quyết quy định lương nhà giáo phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương của hệ thống hành chính sự nghiệp và việc phổ cập bắt buộc 9 năm học kể từ năm 2020. Qua thẩm định của bộ Tư pháp, chúng tôi mong Bộ trưởng bộ Tư pháp nói rõ hơn quan điểm của mình về 2 nội dung này?”.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: “Về nội dung miễn học phí cho học sinh bậc THCS, bộ Tư pháp đồng ý. Vì đây là cụ thể hóa Hiến pháp. Hiện, bộ Tư pháp băn khoăn ngân sách thực hiện sẽ được bố trí như thế nào, cần thiết ban soạn thảo phải nghiên cứu làm rõ.
Đối với lương giáo viên, về mặt quan điểm, tôi thống nhất giáo viên phải được hưởng thang bậc lương cao nhất, với các lý do đầy đủ tính thuyết phục như nhà giáo là nghề cao quý, các thầy cô dạy học con em chúng ta… Tuy nhiên, hiện có ý băn khoăn ở chỗ vấp về quan điểm xây dựng luật”.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay: “Chính phủ đang chuẩn bị đề án chế độ, chính sách về tiền lương. Quy định liên quan đến lương và phụ cấp được đề cập khá nhiều trong văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nên cần thiết quy định nhất quán các vấn đề chế độ chính sách mà không quy định tại pháp luật chuyên ngành.
Chính vì quan điểm như vậy, việc quy định lương giáo viên trong luật Giáo dục đã phần nào ảnh hưởng. Trong bối cảnh phải đợi văn bản quy định chung về chính sách, tăng lương cho nhà giáo sẽ bị chậm. Hiện, áy náy của bộ Tư pháp, áy náy của bản thân tôi nằm ở điểm này”.