Trong quy chế tuyển sinh đại học năm nay, có điểm đáng chú ý mà bộ GD&ĐT vừa thay đổi đó là yêu cầu thí sinh muốn xét tuyển vào các trường đại học sư phạm phải có học lực giỏi ở năm học lớp 12. Với quy định này, Bộ mong muốn chọn người giỏi vào ngành, tuy nhiên, điều này liệu có thể thực hiện được không khi mà ngành đang không có sức hút?Ông Phạm Minh Hạc.
Về vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Hạc nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT.
PV: Thưa ông, trong nỗ lực nâng cao chất lượng giáo viên ngành sư phạm, mới đây bộ GD&ĐT đã đưa ra những tiêu chuẩn riêng, trong đó yêu cầu thí sinh muốn thi vào ngành phải là học sinh giỏi năm học lớp 12. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phạm Minh Hạc: Tôi ủng hộ chủ trương nâng cao chất lượng đầu vào của ngành sư phạm. Đối với nghề giáo thì phải cần có người giỏi, có như vậy mới đào tạo được nhân lực giỏi cho đất nước. Rõ ràng, bộ GD&ĐT đang muốn lấy lại hình ảnh và vị thế của nghề giáo. Đồng thời, đây cũng là mong muốn cải thiện chất lượng giáo viên trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp triển khai.
Tuy nhiên, muốn nâng cao chất lượng sinh viên thì cần nhiều giải pháp tổng thể, để người giỏi thấy tương lai tốt đẹp đang chờ họ ở phía trước mà quyết tâm đăng ký và cống hiến. Còn trong bối cảnh hàng chục nghìn sinh viên ra trường vẫn đang thất nghiệp, lương giáo viên thấp, áp lực nghề cao… thì khó để mà thu hút người tài vào ngành.
Chúng ta có thể nhìn sang ngành y… bao năm qua họ vẫn giữ được vị trí dẫn đầu về điểm tuyển sinh và tỷ lệ chọi. Họ không có yêu cầu nào về việc thí sinh thi vào ngành phải là học sinh giỏi. Nhưng người thi đều tự hiểu rằng, nếu không thực sự giỏi thì không thể vào. Tại sao họ lại làm được như vậy mặc cho không có một “cam kết” việc làm nào. Đó là bởi người giỏi ngành này khi ra trường được nhiều nơi “trải thảm đỏ” đón về.
PV: Khi áp dụng điều này liệu việc tuyển sinh của các trường sư phạm có gặp khó khăn?
Ông Phạm Minh Hạc: Đó là điều chắc chắn. Tuyển sinh ngành sư phạm sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Bởi ngành sư phạm không phải là ngành “hot”, trong xã hội bây giờ. Khi ra trường, những chuyện như “lót tay” mới có được việc làm sẽ làm nản lòng không ít những cá nhân xuất sắc. . Mục đích của bộ GD&ĐT là tốt đẹp nhưng phải giải quyết khó khăn cho các trường sư phạm như việc làm cho các giảng viên sư phạm.
PV: Cách nào cũng khó, vậy theo ông ngành giáo dục phải làm gì để có thể thu hút được người tài?
Ông Phạm Minh Hạc: Theo tôi cần có 2 giải pháp chính. Điều đầu tiên cũng là điều quan trọng nhất là sinh viên ra trường phải có việc làm. Nếu học xong mà vẫn thất nghiệp như thời gian qua thì vừa lãng phí tiền của xã hội, vừa gây mất niềm tin về ngành.
Tiếp theo phải nâng cao thu nhập cho nhà giáo. Trong thời gian tới, theo tôi nhất định phải cụ thể hóa lời phát biểu của nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân năm nào: “Phải làm sao để giáo viên (đặc biệt là giáo viên phổ thông) phải sống được (thoải mái) bằng lương”. Phải nghiêm túc xem đây như là một khâu tối quan trọng trong chiến lược sử dụng con người phục vụ cho hoạt động giáo dục trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần có những thay đổi tư duy trong quy hoạch; đầu tư, tuyển dụng giảng viên ở các trường đại học đào tạo ngành sư phạm. Hiện nay, có một thực tế là có quá nhiều trường đại học đào tạo giáo viên sư phạm, trong khi đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở vật chất lại không đáp ứng được yêu cầu.
Thực tế cho thấy, các thầy cô giáo hiện nay đang bị đè nặng bởi một áp lực tâm lý vô hình đó là: Nỗi mặc cảm và tự ti do sự thiếu tôn trọng từ các cấp lãnh đạo và cơ quan quản lý giáo dục. Đây là bất công và là một nghịch lý cần phải thay đổi.
PV: Theo ông chính sách miễn giảm học phí đối với sinh viên ngành sư phạm có cần thiết?
Ông Phạm Minh Hạc: Năm 1996 là năm đầu tiên áp dụng việc miễn học phí và tăng học bổng, ngành sư phạm đã lựa chọn được rất nhiều học sinh giỏi. Trước đó, đầu vào không cao như vậy nhưng vẫn thu hút được học sinh khá vì ra trường có việc làm ngay.
Đối với sinh viên nên áp dụng chính sách “cho vay học phí”, nếu ra trường các em làm theo sự phân công của ngành thì mới xóa được nợ học phí. Không nên cấp học phí tràn lan như trước, hiệu quả chưa chắc đã cao, vì thực tế nhiều sinh viên ra trường không làm theo sự phân công…
Như tôi đã nói, nếu sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay và khi đi dạy lương và chế độ hấp dẫn thì không cần tiêu chí, cần miễn học phí thì người khá giỏi cũng sẽ tự động thi vào sư phạm.
PV: Xin cảm ơn ông vì những ý kiến tâm huyết với ngành giáo dục.