Sở Công Thương Hà Nội cùng bộ NN&PTNT đã bàn phương án giải cứu hàng nghìn tấn củ cải ứ đọng cho người dân thuộc huyện Mê Linh.Củ cải rớt giá thảm hại khiến người dân trong xã Tráng Việt (Mê Linh – Hà Nội) “khóc ròng”.
Nông dân “nuốt nước mắt” đổ bỏ hàng trăm tấn củ cải
Nhiều ngày nay, những người nông dân trồng củ cải trắng tại khu vực xã Tráng Việt (Mê Linh – Hà Nội) đang phải “nuốt nước mắt” nhổ bỏ hàng trăm tấn củ cải đến mùa thu hoạch mà tự tay họ trồng, chăm bón. Thực trạng trên diễn ra kéo dài từ trước Tết Nguyên đán 2018.
Theo một nông dân trong xã Tráng Việt, giá củ cải rớt thảm hại, có lúc chỉ có 500 đồng/kg, giảm hơn 15 lần so với bình thường, nhưng cũng không có ai đến mua. Trước đây, giá bình quân bán tại ruộng dao động ở khoảng 6-8 ngàn đồng/kg.
Một số hộ dân cho biết: Chi phí chăm bón, đầu tư cho mỗi sào củ cải trắng từ khi mới gieo hạt là 3,5 triệu đồng, chưa kể công làm đất. Tuy nhiên, không tiêu thụ được, nông dân còn phải bỏ tiền túi và công sức ra thuê người nhổ bỏ và thuê ô tô chở củ cải đi vứt.
Vì củ cải trồng ra rớt giá, nhiều gia đình không buồn nhổ bỏ khiến củ cải già và to. Tuy nhiên, do tài sản của nông dân chỉ có “ruộng đất” nên không “thi gan” được, họ tiếp tục phải ra đồng tự tay nhổ vứt đi những thành quả lao động của mình.
Trong tháng Giêng, nhiều gia đình đã nhổ hàng chục tấn củ cải nhưng không thể bán hoặc chế biến nên đành phải đổ ra sông Hồng. Nhiều gia đình còn phải bỏ hàng triệu đồng để thuê người nhổ củ cải vứt đi.
Không những người dân ôm “quả đắng” vì giá củ cải rớt sâu, thương lái thu mua cũng chịu chung cảnh ngộ trên vì “ôm” hàng chục héc-ta củ cải. Là một nông dân, đồng thời kiêm thương lái thu mua củ cải cho bà con, chị Nguyễn Thị Tuyết (ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) cho biết, gia đình đã phải tự tay nhổ bỏ hơn 20 tấn củ cải trắng.
“Nhà tôi mua củ cải của người dân từ lúc nhỏ, giá là 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/sào. Hiện tại không bán được, chúng tôi phải nhổ bỏ khoảng 20 tấn củ cải. Giá bán buôn ngoài thị trường từ 500 đồng – 1.000 đồng/kg chưa rửa. Tuy nhiên, rất ít người mua, lỗ nhiều lắm, không tiêu thụ được”, chị này tâm sự thêm.
Ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) cho biết: Toàn xã có 80ha trồng củ cải, trong đó diện tích củ cải đến thời gian thu hoạch khoảng 20ha, sản lượng 1.500 tấn, đang ứ đọng và cần tiêu thụ gấp. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn khoảng 20ha củ cải ở giai đoạn cây non.
Theo ông Kỳ, hiện giá củ cải bán tại thôn Đông Cao khoảng 1.500-2.000 đồng mỗi kg (thời điểm được giá là 8.000 đồng mỗi kg); củ cải già dùng để sấy khô, muối khoảng 1.000 đồng mỗi kg. Việc củ cải ứ đọng, phải nhổ bỏ và tiêu hủy gây thiệt hại từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân giá củ cải giảm, ông Kỳ nhận định, do thời tiết thuận lợi nên cây rau phát triển nhanh, năng suất cao, cung vượt cầu.
Ông Ngô Minh Hoa, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp thôn Tráng Việt cho hay, trước Tết, củ cải được giá nhưng nông dân có tâm lý để sau Tết bán cao hơn, một số hộ còn gom hàng vào. “Sau Tết, rau vào vụ, sản lượng nhiều và phong phú khiến cho giá rơi thê thảm”, ông Hoa nói.
Kêu gọi tiêu thụ củ cải cho nông dân
Ngày 16/3, TP.Hà Nội đã họp tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ hàng nghìn tấn củ cải ngọt được trồng tại xã Tráng Việt.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, nếu việc rớt giá, chậm tiêu thụ được thông tin nhanh hơn, linh hoạt hơn trong cách thu mua thì có thể giải quyết sớm khó khăn cho người nông dân.
Theo Phó Giám đốc sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở sẽ triển khai chương trình đồng loạt trên hệ thống phân phối của TP để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn củ cải cho người dân; làm văn bản gửi đến các cơ quan, đoàn thể kêu gọi giúp nông dân tiêu thụ với giá ổn định.
Ngoài ra, sở Công Thương cũng liên hệ với nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội và bánh mứt kẹo Tràng An, để hai cơ sở này hỗ trợ người dân sấy khô không lấy công.
Về lâu dài, lãnh đạo ngành Công Thương Hà Nội cho rằng, chính quyền xã nên nghiên cứu, ngoài củ cải thì địa phương có thể trồng loại rau gì khác để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Hợp tác xã và người nông dân cũng cần thay đổi thói quen sản xuất, tiến tới các mặt hàng có thương hiệu tốt về an toàn thực phẩm và mẫu mã.
Trước đó ngày 15/3, bộ NN&PTNT đã có Công văn số 2120/BNN-VP chỉ đạo cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiểm tra, nắm tình hình và đề xuất giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về vấn đề này.
Lãnh đạo Bộ này yêu cầu Cục trưởng cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và cục Bảo vệ thực vật khẩn trương tiếp tục kiểm tra đề xuất các giải pháp khắc phục, nhất là công tác chỉ đạo sản xuất gắn với chế biến và phát triển thị trường các mặt hàng rau, củ…