Trong nhiều trường hợp, ly hôn là giải pháp toàn nhất cho cả hai. Tuy nhiên, pháp luật quy định thế nào về việc ly hôn mà người làm đơn muốn ủy quyền cho người khác làm thủ tục? Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ giúp bạn trả lời các thắc mắc. |
Căn cứ:
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015.
Nội dung tư vấn
1. Ly hôn là gì?
Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác.
Ly hôn là một khái niệm dễ bị nhầm lẫn với ly thân. Ly thân chỉ đơn giản là sự không chung sống giữa hai vợ chồng mà thôi. Không hề được pháp luật thừa nhận và cũng không hề làm thay đổi hay chấm dứt quan hệ vợ chồng đã được pháp luật thừa nhận khi hai người kết hôn.
2. Căn cứ ly hôn
Một là, sự tự nguyện thật sự của vợ chồng (áp dụng trong trường hợp thuận tình li hôn). Sự tự nguyện li hôn của vợ và chồng thể hiện bằng đơn yêu cầu công nhận thuận tình li hôn do vợ và chồng cùng kí. Vợ chồng thuận tình li hôn phải trên cơ sở họ thực sự muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân. Nếu vợ chồng nhưng chỉ là trên cơ sở mong muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân về mặt pháp lí để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không chấm dứt quan hệ vợ chồng trên thực tế thì là li hôn giả và tòa án sẽ không công nhận thuận tình li hôn cho họ.
Hai là, vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng là cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích của cuộc hôn nhân không đạt được (áp dụng trong trường hợp li hôn do một bên vợ chồng)
Đánh giá tình trạng vợ chồng đã đến mức trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của cuộc hôn nhân không thể đạt được phải dựa trên những cơ sở nhận định rằng:
- Vợ chồng không còn yêu thương nhau
- Những mâu thuẫn giữa vợ và chồng sâu sắc đến mức không thể hòa giải được
- Quan hệ vợ chồng rạn nứt đến nỗi không thể hàn gắn được.
- Việc vợ chồng chung sống là bất hạnh lớn đối với vợ, chồng, ảnh hưởng tới cuộc sống của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là tới chăm sóc giáo dục con cái.
- Sự tồn tại quan hệ hôn nhân đó không thể xây dựng được một gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Để có thể đưa ra những nhận định trên thì cần phải dựa vào những biểu hiện thực chất trong quan hệ giữa vợ và chồng thông qua hành vi và thái độ của vợ và chồng. Nếu vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến quan hệ vợ chồng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì được Tòa án giải quyết li hôn.
Ba là, vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của người chồng, vợ bị tâm thần hoặc các bệnh khác dẫn đến không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình (áp dụng trong trường hợp li hôn do yêu cầu của cha mẹ, người thân thích của một bên khi vợ, chồng bị tâm thần hoặc bị bệnh khác dẫn đến không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình).
Bốn là, vợ hoặc chồng bị tòa án tuyên bố mất tích ( áp dụng đối với trường hợp một bên chồng hoặc vợ yêu cầu). Khi vợ hoặc chồng bị tòa án tuyên bố mất tích thì quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án được coi là căn cứ để giải quyết li hôn nếu người chồng hoặc vợ của người tuyên bố mất tích yêu cầu được li hôn.
3. Ly hôn có được ủy quyền cho người khác làm thủ tục không?
Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về quyền yêu cầu li hôn như sau:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trong trường hợp sinh con mà đang băn khoăn về việc trích lục khai sinh ở đâu, bạn có thể tham khảo Dịch vụ trích lục khai sinh.
Theo đó, về nguyên tắc, chỉ có vợ, chồng có quyền yêu cầu li hôn. Không ai có quyền nhân danh vợ chồng để yêu cầu li hôn. Tuy nhiên, thực tế đã có trường hợp một bên bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức làm chủ hành vi của mình, bên kia không những không quan tâm, chăm sóc theo đúng nghĩa vụ mà còn hành hạ, ngược đãi hoặc có các hành vi khác đe dọa tính mạng, sức khỏe. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một bên vợ chồng bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định cha mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp người vợ, người chồng bị tâm thần lại đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì cha mẹ, người thân thích khác của vợ chồng mới có quyền yêu cầu li hôn.
Căn cứ theo điều 85, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, quy định về người đại diện trong tố tụng dân sự như sau:
1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
[…]
4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì họ là người đại diện.
Như vậy, trong các vụ án về li hôn, việc dân sự về thuận tình li hôn, đương sự là người yêu cầu, người có liên quan, không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng để giải quyết quan hệ nhân thân mà chỉ chỉ ủy quyền để thay mặt cho họ giải quyết quan hệ tài sản, con cái và nhận các giấy tờ pháp lí của tòa án. Riêng đối với trường hợp có yêu cầu li hôn theo quy định của Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình thì có thể ủy quyền theo như phân tích ở phần trên.
Nói tóm lại, việc ly hôn không thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục cũng như đại diện tham gia tố tụng để giải quyết các vấn đề nhân thân được. Do đó, nếu bạn muốn giải quyết ly hôn buộc phải đến Tòa án để giải quyết ly hôn.
Hi vọng bài viết sẽ có ích với các bạn!