Thành lập công ty là một thủ tục khá phức tạp, bạn đang có dự định thành lập công ty cổ phẩn nhưng lại đang thắc mắc và băn khoăn về mô hình của công ty cổ phần có cần ban kiểm soát hay không. Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X về Công ty cổ phần không có ban kiểm soát được không? |
https://youtube.com/watch?v=jWvpV3V6Yuw
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2014
Nội dung tư vấn
1. Khái niệm công ty cổ phần
Theo quy định tại Điều 110- Luật Doanh nghiệp 2014, Công ty Cổ phần là doanh nghiệp trong đó:
a)Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
Như vậy, Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau là cổ phần và được phát hành ra ngoài thị trường nhắm huy động vốn tham gia đầu tư từ mọi thành phần kinh tế. Người sở hữu cổ phần được gọi là các cổ đông.
2. Đặc điểm của công ty cổ phần
2.1. Về thành viên ( Cổ đông Công ty Cổ phần).
Luật Doanh nghiệp chỉ hạn định số lượng tối thiểu mà không giới hạn số lượng tối đa các cổ đông của công ty cổ phần, theo đó công ty này phải có ít nhất 3 cổ đông trong suốt quá trình hoạt động.
2.2. Về Vốn điều lệ.
Công ty cổ phần có cấu trúc vốn “mở”.
Đặc điểm về cấu trúc vốn của công ty cổ phần thể hiện trước hết ở vốn điều lệ của công ty. Vốn điều lệ của công ty phải được chia thành những phần nhỏ nhất bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá (giá trị danh nghĩa) của cổ phần và có thể được phản ánh trong cổ phiếu. Tư cách cổ đông của công ty được xác định dựa trên căn cứ quyền sở hữu cổ phần. Các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần trừ một số trường hợp bị Pháp luật cấm chuyển nhượng hoặc hạn chế chuyển nhượng. Mức độ tự do chuyển nhượng cổ phần phụ thuộc vào tính chất của từng loại cổ phần. Với tính tự do chuyển nhượng cổ phần, cơ cấu cổ đông của công ty có thể thay đổi linh hoạt mà không ảnh hưởng đến sự tồn tại cũng như bản chất của công ty.
2.3. Về tư cách pháp lý:
Công ty cổ phần là chủ thể kinh doanh có tư cách pháp nhân. Theo Luật doanh nghiệp , công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
3.Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần
Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
Điều 134. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.
Như vậy có thể thấy theo quy định của Luật doanh nghiệp, công ty cổ phần có hai cách tổ chức quản lý.trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác. Cả hai mô hình đều giống nhau là có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Tuy nhiên điểm khác nhau là một hình thức có Ban kiểm soát và một hình thức thì không.
Mô hình thứ nhất: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc (Tổng giám đốc)
Mô hình thứ hai: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng Giám đốc).
Hình thức có Ban kiểm soát được bắt buộc áp dụng trong trường hợp công ty cổ phần có từ 11 cổ đông trở lên. Nếu trường hợp ngược lại có ít hơn 11 cổ đồng và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.
Hình thức không có Ban kiểm soát áp dụng trong trường hợp có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị.
Do đó, công ty cổ phần có thể không thành lập Ban kiểm soát trong 2 trường hợp:
– Nếu lựa chọn mô hình tổ chức công ty bao gồm đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, và giám đốc hoặc tổng giám đốc (ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị);
– Công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty.
4. Cơ cấu Ban kiểm soát Công ty cổ phần
cơ cấu Ban kiểm soát thường bao gồm:
– Trưởng ban Kiểm soát.
– Thành viên Ban kiểm soát chuyên trách.
– Thành viên Ban kiểm soát không chuyên trách.
Ban Kiểm soát gồm từ 3 đến 5 thành viên với các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
– Từ 21 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật như: Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
– Không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác.
Theo quy định của pháp luật, thành viên Ban kiểm soát không được giữ các chức vụ quản lý công ty. Thành viên Ban kiểm soát không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty.
5. Các quyền hạn và nhiệm vụ của Ban kiểm soát:
– Kiểm soát toàn bộ hệ thống tài chính và việc thực hiện các quy chế của công ty: Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.Thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính theo các định kỳ của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị lên Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Xem xét sổ kế toán và các tài liệu khác của Công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của Công ty bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông.
– Kiểm tra bất thường: Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông, Ban Kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn mười lăm ngày,kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông và nhóm cổ đông có yêu cầu .
– Can thiệp vào hoạt động công ty khi cần: Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại Hội đồng Cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
– Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng Cổ đông, Tổng Giám đốc vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.
Trên đây là bài viết của Luật sư X nhằm giải đáp thắc mắc cho bạn về mô hình Công ty cổ phần có bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát hay không.
Hi vọng bài viết có ích cho bạn!
*Ngoài ra, để đăng tải thông tin mới nhất liên quan đến các vấn đề về doanh nghiệp, chủ sở hữu website có thể thông báo website thông qua dịch vụ của chúng tôi (Thông báo website với Bộ công thương)