Sau ba năm học song ngữ ở trường mầm non của Đức, về Việt Nam, con tôi quên sạch tiếng này.
Trong gia đình bố mẹ và các chị em ruột của tôi, có ít nhất ba đứa trẻ bị bắt buộc phải song ngữ, do sống ở nước ngoài, trong đó có con gái tôi. Còn tính cả họ ngoại thì con số đó là trên chục. Từ sự quan sát với đám trẻ đó, tôi cho rằng việc cho trẻ học ngoại ngữ ngay từ nhỏ không thực sự hiệu quả.
Ba tuổi, con gái tôi sang Đức cùng cha mẹ, đi học mầm non, không nghỉ ngày nào. Ở nhà nói tiếng Việt, đến trường nói tiếng Đức, hậu quả là nguyên năm từ 4 lên 5 tuổi, cháu không nói thứ tiếng gì, dù Đức hay Việt, cháu bị loạn ngữ. Ngôn ngữ con dùng là… chỉ chỏ. Từ một em bé tràn ngập tự tin, con lâm vào khủng hoảng, tự ti và đôi khi hung bạo vì không thể trình bày được suy nghĩ của mình. Vì thế, con bị trầm cảm.
Nếu là con bà mẹ khác, chắc chắn vấn đề này của con sẽ bị bỏ qua vì biểu hiện khá mờ nhạt. Làm trong ngành giáo dục, nhạy cảm nghề nghiệp nên tôi biết ngay lập tức. Tôi trợ giúp con tối đa, bệnh của bé đỡ và bé sống khá ổn.
Năm con lên 6 tuổi, tôi về Việt Nam mổ tim. Ngay lập tức, con gặp vấn đề. Biểu hiện trầm cảm nặng hơn, con cũng đột nhiên không giao tiếp nữa. Vì thế, đúng 10 ngày sau ca mổ tim, người còn yếu, đi chưa vững, tôi lập tức bay sang với con. Vừa nhìn thấy mẹ, con bé trở lại bình thường.
Sau đó, tôi đã đưa con trở về Việt Nam. Tại Hà Nội, con được thoát khỏi cảnh song ngữ và dần dần lấy lại tự tin, thoải mái. Ở Việt Nam, tôi “quẳng” con cho bà ngoại để đi công tác cả tháng, con vẫn ổn. Sau ba tháng về nước, con quên sạch tiếng Đức. Lên lớp 10, con tự tin quay lại với tiếng Đức vì đã rất vững tiếng Việt và chẳng sợ sệt gì nữa. Con tôi cũng chỉ mới học tiếng Anh từ cấp hai, không hề học thêm và vẫn đạt IELTS 5.5. Giờ đây, chuẩn bị thi đại học, cháu đang học song song cả hai tiếng Anh và Đức.
Trẻ sẽ học ngoại ngữ hiệu quả hơn khi đã thành thạo tiếng mẹ đẻ – Ảnh: CNN |
Bản thân tôi đã học tiếng Nga, Nhật, Đức, Anh và chút ít tiếng Hung. Tôi là một người học ngoại ngữ khá nhanh. Mới sang Hungary chơi một tuần, tôi đã có thể giao tiếp với người địa phương. Tất nhiên, tôi không hiểu 100% những gì họ nói, thậm chí có lúc chỉ hiểu 10% từ trong câu chuyện nhưng những người đối thoại với tôi không hề nghĩ tôi là đứa mù tiếng Hung. Khả năng bắt chước và ghi nhớ của tôi rất tốt. Sau 20 năm, quay lại Hung, tôi vẫn ra chợ bán hàng hộ người quen được.
Tôi học tiếng Anh đúng 4 tháng, khi đã 30 tuổi, sau đó sang Đức du học bằng tiếng Anh. Sau ba năm ở đây, tôi tư duy bằng thứ ngôn ngữ pha giữa Anh và Đức. Về Việt Nam, tôi đã từng bị bạn mắng vì quên tiếng Việt. Từ trường hợp của mình, tôi thấy để tư duy bằng ngoại ngữ, không nhất thiết học quá sớm.
Bây giờ tôi sẽ nói về phương pháp học ngoại ngữ. Tôi sẽ lấy cách học của bố và chồng mình – những người ban đầu có khả năng ngoại ngữ vô cùng kém – làm ví dụ.
Bố tôi học tiếng Nga, Anh, Pháp. Cách học của bố là đi học ở trung tâm ngoại ngữ, cái kiểu dạy ngày xưa nặng về ngữ pháp, thầy cô nói là chính, rất kém hiệu quả. Thế nhưng, sau khi du học ở Nga và làm chuyên gia ở một nước nói tiếng Pháp, bố rất thành thạo hai ngôn ngữ này. Còn tiếng Anh, bố học xong khi đã hơn 50 tuổi. Lúc đó, bố làm hiệu trưởng trường Sư phạm Hà Nội, phải tiếp khách nước ngoài liên tục. Bố bảo phiên dịch: “Kệ thày, thày nói sai mà họ không hiểu mới giúp thày nhé”. Bố vẫn tự tin nói chuyện với đủ khách nước ngoài bằng thứ tiếng Anh rất kém, sau vài năm, tiếng Anh của cụ rất ổn.
Chồng tôi biết Nga, Anh, Đức. Đây là một ví dụ của sự chăm chỉ, kiên trì. Chúng tôi học cùng đại học, hồi đó, cứ vào kì thi tiếng Nga, anh lại: “Hương ơi, cứu tớ”. Từ năm thứ hai đại học, anh đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ buổi tối. Rất kiên trì, không bỏ cuộc, cố gắng đọc sách bằng tiếng Anh. Mất đến 11 năm, anh mới học xong tiếng Anh. Sau đó, chúng tôi sang Đức học và tiếng Anh của chồng tôi rất tốt. Bây giờ, trình độ tiếng Anh của anh thuộc hàng đầu cơ quan anh công tác – một cơ quan nghiên cứu có hợp tác quốc tế liên miên.
Điều chồng tôi làm song hành với học tiếng Anh chính là học thêm tiếng Việt, đọc sách Việt. Con gái tôi có gene ngoại ngữ của bố, hồi mầm non học tiếng Đức, Việt rất khổ sở. Sau khi học chuyên văn cấp 2, giờ cháu học tiếng Anh, Đức khá dễ dàng. Lý do là khi hiểu biết của ta được mở rộng, được định hình rõ nét bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, lúc học ngoại ngữ, ta chỉ cần biết từ đó ở ngoại ngữ là gì thì có thể hiểu ngay và ghi nhớ.
Tóm lại, theo quan sát của tôi, việc học ngoại ngữ quan trọng nhất là:
– Học phương pháp nào cũng được, nhưng cần học kiên trì, ít nhất là 1, 2 năm.
– Học tiếng Việt và văn học Việt thật tốt.
– Học về cuộc sống xung quanh để có hiểu biết tổng thể thật tốt, sau này còn có đề tài để nói chuyện với bạn nước ngoài. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn điểm tiếng Anh cao nhưng khi gặp người nước ngoài là im như thóc vì “lúc đó đầu em rỗng, em chẳng biết nói cái gì cả”.
– Sau khi học ngoại ngữ được 1, 2 năm, nên đi du lịch hoặc làm việc tại các vùng nói ngôn ngữ đó hoặc “buôn dưa” với những người nói ngôn ngữ đó. Internet nối mạng toàn cầu, kết bạn 4 phương quá dễ, các bố mẹ kết bạn cho con rồi cho con nói chuyện với họ. Nếu làm việc này liên tục, hàng ngày, sau vài tháng ngoại ngữ của con sẽ cực giỏi.
– Đọc sách bằng ngoại ngữ đó. Mới đầu đọc truyện ngắn, đọc xong thì kể lại cho bố mẹ nghe bằng tiếng Việt. Dần dần, đọc truyện dài hơn.
– Liên tục ôn luyện bởi ngoại ngữ nhanh quên lắm. Chính vì lý do này, theo tôi cho trẻ học ngoại ngữ muộn thôi. Khi các con đã đủ hiểu biết và có sở thích, biết trách nhiệm của mình, các con sẽ học nhanh và có ý thức ôn luyện cho khỏi quên.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội
Nguồn: vnexpress.net
https://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/cham-con/hoc-ngoai-ngu-tu-be-nhung-con-toi-chi-gioi-khi-da-thao-tieng-viet-3707751.html#box_comment